Có thể hiểu nguồn nhân lực là gì? Theo quy định pháp luật hiẹn hành thì Nhà nước có chính sách gì về lao động? Những hành vi nào bị cấm trong lĩnh vực lao động?
Có thể hiểu nguồn nhân lực là gì? Theo quy định pháp luật hiẹn hành thì Nhà nước có chính sách gì về lao động? Những hành vi nào bị cấm trong lĩnh vực lao động?
Theo Điều 8 Bộ luật Lao động 2019 gồm có 07 hành vi cụ thể dưới đây bị cấm trong lĩnh vực lao động:
(i) Phân biệt đối xử trong lao động.
(ii) Ngược đãi người lao động, cưỡng bức lao động.
(iii) Quấy rối tình dục tại nơi làm việc.
(iv) Lợi dụng danh nghĩa dạy nghề, tập nghề để trục lợi, bóc lột sức lao động hoặc lôi kéo, dụ dỗ, ép buộc người học nghề, người tập nghề vào hoạt động trái pháp luật.
(v) Sử dụng lao động chưa qua đào tạo hoặc chưa có chứng chỉ kỹ năng nghề quốc gia đối với nghề, công việc phải sử dụng lao động đã được đào tạo hoặc phải có chứng chỉ kỹ năng nghề quốc gia.
(vi) Lôi kéo, dụ dỗ, hứa hẹn, quảng cáo gian dối hoặc thủ đoạn khác để lừa gạt người lao động hoặc để tuyển dụng người lao động với mục đích mua bán người, bóc lột, cưỡng bức lao động hoặc lợi dụng dịch vụ việc làm, hoạt động đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng để thực hiện hành vi trái pháp luật.
(vii) Sử dụng lao động chưa thành niên trái pháp luật.
Nguồn nhân lực là tổng thể số lượng và chất lượng con người với tổng hòa các tiêu chí về trí lực, thể lực và những phẩm chất đạo đức, tinh thần tạo nên năng lực mà bản thân con người và xã hội đã, đang và sẽ huy động vào quá trình lao động sáng tạo vì sự phát triển và tiến bộ xã hội. Nhân lực không chỉ đơn thuần là việc đếm số lượng người lao động mà còn bao gồm các yếu tố liên quan, như: kiến thức, kỹ năng, sức khỏe và năng lực làm việc. Nguồn nhân lực được biểu hiện trên hai mặt là số lượng và chất lượng.
(1) Số lượng nguồn nhân lực: là tổng số người lao động và tổng số thời gian lao động của mỗi cá nhân và đất nước.
(2) Chất lượng nguồn nhân lực: là kiến thức, kỹ năng, sức khỏe và năng lực làm việc của người lao động. Bên cạnh đó, nguồn nhân lực được coi như một nguồn vốn bên cạnh các loại vốn vật chất khác, như: vốn tiền tệ, công nghệ, tài nguyên thiên nhiên.
Để phát triển nền kinh tế của một quốc gia thì đòi hỏi phải tăng “nguồn vốn” của quốc gia đó. Một trong những biện pháp thúc đẩy phát triển kinh tế của quốc gia, cần phát triển nguồn nhân lực một cách toàn diện cả về số lượng và chất lượng. Từ đó, cần hoạch định, dự báo được số lượng, cơ cấu, chất lượng nguồn nhân lực cần thiết phục vụ yêu cầu phát triển đất nước. Trong bối cảnh khoa học – công nghệ phát triển nhanh chóng như hiện nay, người lao động cần được trang bị kiến thức, kỹ năng đáp ứng yêu cầu các ngành công nghiệp mới. Ngoài ra, người lao động còn cần được phát triển về thể lực và trí lực nâng cao ý thức kỷ luật, đạo đức, tinh thần trách nhiệm, tác phong trong lao động.
Hàn Quốc là quốc gia có nền giáo dục hàng đầu châu Á, có sự tăng trưởng và phát triển ngoạn mục về kinh tế trong suốt những thập niên cuối thế kỷ XX. Cùng với đó, chiến lược phát triển quốc gia về nguồn nhân lực của Hàn Quốc cũng được tiến hành và đã có sự đóng góp không nhỏ đến thành công của nước này. Hàn Quốc đã xây dựng kế hoạch dự báo nhân sự và chính sách phân bổ nhân sự để bảo đảm sự cân đối giữa nhu cầu nguồn nhân lực và nguồn cung. Kế hoạch dự báo nhân sự giúp nước này xác định được nhu cầu nguồn nhân lực, trên cơ sở đó, xây dựng chính sách dân số và chính sách phân bổ nhân sự bảo đảm nguồn cung nhân lực cho nền kinh tế; đồng thời, phân bổ phù hợp với nhu cầu trong từng giai đoạn.
Từ năm 1960 – 1980: đây là giai đoạn Hàn Quốc tập trung xây dựng lại nền kinh tế sau chiến tranh Triều Tiên và hỗ trợ các ngành công nghiệp cơ bản, như: sản xuất và xây dựng; đồng thời, ban hành kế hoạch phân bổ nhân sự tập trung vào các ngành này. Mặt khác, đã thực hiện các mô hình đào tạo và dự báo nguồn nhân lực đáp ứng nhu cầu các ngành công nghiệp mới. Trong giai đoạn này, Hàn quốc đang đối mặt với tốc độ tăng dân số nhanh, gây sức ép lớn đối với phát triển kinh tế – xã hội, tài nguyên môi trường. Vì vậy, Hàn Quốc đã đưa ra chính sách kế hoạch hóa gia đình nhằm kiểm soát sự gia tăng dân số, tăng cường sự phát triển kinh tế. Chính phủ Hàn Quốc đã ban hành nghị quyết về kế hoạch hóa gia đình, thiết lập các mục tiêu cụ thể về tăng tỷ lệ dân số mỗi năm. Đồng thời, được hưởng các ưu đãi về thuế, hỗ trợ giáo dục và sức khỏe nhằm tạo điều kiện thuận lợi hơn cho những gia đình có ít con và thực hiện kế hoạch hóa gia đình.
Từ năm 1980 – 2000: giai đoạn Hàn Quốc chuyển từ mô hình kinh tế chủ yếu dựa vào sản xuất sang mô hình dựa vào công nghệ và xuất khẩu. Chính sách phân bổ nhân sự đã chuyển thông qua việc tăng cường đầu tư vào nguồn nhân lực có kỹ năng và công nghệ cao. Mặt khác, do ảnh hưởng của các chính sách dân số trước đó nên tốc độ tăng dân số giảm, bắt đầu xuất hiện nguy cơ suy giảm tỷ lệ sinh. Vì vậy, Hàn Quốc dần chuyển từ chính sách kế hoạch hóa gia đình sang chính sách khuyến khích sinh con và hỗ trợ các gia đình có nhiều con.
Từ năm 2000 đến nay: Hàn Quốc định hướng phát triển nền kinh tế theo hướng phát triển công nghiệp 4.0 thực hiện chính sách khuyến khích đổi mới cả việc đào tạo lại và phát triển kỹ năng phù hợp với yêu cầu ngày càng cao của công nghiệp hóa. Đồng thời, cũng giai đoạn này, Hàn Quốc đối mặt với vấn đề suy giảm tỷ lệ sinh. Do đó, Chính phủ Hàn Quốc đã áp dụng chính sách hỗ trợ các gia đình có nhiều con và tạo điều kiện thuận lợi để khuyến khích sinh con, mặt khác, đã điều chỉnh chính sách lao động tạo điều kiện thuận lợi hơn cho người lao động trung niên và người già, bao gồm cả các chính sách về giờ làm việc linh hoạt và hỗ trợ nghỉ hưu. Khuyến khích các doanh nghiệp tạo cơ hội việc làm phù hợp với nhóm tuổi người lao động trung niên và người già. Bên cạnh đó, để bảo đảm số lượng nguồn nhân lực, Hàn Quốc cũng ban hành các chính sách đối với lao động nước ngoài theo hướng mở rộng chính sách về lao động nước ngoài đáp ứng nhu cầu nguồn nhân lực đặc biệt trong một số ngành công nghiệp.
Trước đó, Bộ Tư pháp Hàn Quốc công bố phương án cải thiện chế độ thị thực để đẩy mạnh tiếp nhận lao động nước ngoài. Theo phương án này, Hàn Quốc sẽ nâng hạn ngạch chuyển đổi sang visa lao động lành nghề (E-7-4), đang ở mức 5.000 người lên 35.000 người. Đồng thời, cũng xem xét mở rộng hạn ngạch cho lao động phổ thông người nước ngoài với thị thực E-9 và bổ sung các ngành được phép. Hàn Quốc dự kiến sẽ hỗ trợ nâng cao thu nhập cho thủy thủ đoàn tàu viễn dương và tàu đánh cá biển sâu bằng cách miễn thuế thu nhập, nới rộng thời gian nghỉ phép có lương1. Những chiến lược trên được thực hiện một cách bền vững với sự chú ý đặc biệt đến sức khỏe, giáo dục và các yếu tố khác ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống. Đối mặt với những thách thức và nhu cầu đặc biệt của xã hội, Hàn Quốc đã và đang điều chỉnh chiến lược về dân số, chiến lược về phân bổ và sử dụng lao động nước ngoài. Cụ thể:
(1) Nâng cao chất lượng giáo dục, đào tạo đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của xã hội hiện đại.
Hàn Quốc chú trọng vào giáo dục, đào tạo, nâng cao chất lượng giáo dục, cung cấp nền tảng vững chắc và phát triển kỹ năng cơ bản cho sự phát triển của học sinh từ cấp tiểu học đến đại học; xây dựng một hệ thống giáo dục, bao gồm: giáo dục tiểu học, giáo dục trung học cơ sở, giáo dục trung học phổ thông và giáo dục đại học. Đồng thời, thúc đẩy các chính sách đào tạo nghề bảo đảm nguồn nhân lực có kỹ năng phù hợp với yêu cầu của thị trường lao động.
Năm 2021, Hàn Quốc đã công bố “Chính sách kinh tế mới phiên bản Hàn Quốc 2.0” (Korean New Deal 2.0), trong đó nội dung phân bổ 50.000 tỷ won (43,5 tỷ USD) cho tới năm 2025 để tăng cường đầu tư vào phát triển nguồn nhân lực cho các lĩnh vực trọng điểm, như: hỗ trợ đào tạo, bồi dưỡng khoảng 89.000 nhân tài phát triển phần mềm có kỹ năng chuyên môn cao, trên 8.000 nhân tài ở lĩnh vực chíp bán dẫn hệ thống, trên 20.000 nhân tài lĩnh vực sức khỏe sinh học và trên 3.000 nhân tài ở lĩnh vực ô tô tương lai cho tới năm 20252. Các chính sách này được thiết lập để khuyến khích học sinh theo đuổi các lĩnh vực khoa học – công nghệ, kỹ thuật và toán học (STEM). Điều này giúp giảm tình trạng thất nghiệp và nâng cao cơ hội việc làm cho sinh viên.
Hàn Quốc đã tăng cường công tác đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao chuyên môn, nghiệp vụ, kỹ năng cho giáo viên; thúc đẩy đổi mới phương pháp giảng dạy và học tập đáp ứng yêu cầu ngày càng cao về chất lượng giáo dục. Duy trì hệ thống các kỳ thi thật sự nghiêm túc và quan trọng, như: kỳ thi tốt nghiệp trung học và kỳ thi đại học để đánh giá kiến thức của học sinh. Hệ thống kỳ thi này được điều chỉnh để giảm áp lực cho học sinh, tạo cơ hội cho sự phát triển sáng tạo. Tất cả các chính sách đều hướng đến mục tiêu nâng cao chất lượng giáo dục, khuyến khích sự sáng tạo và phát triển toàn diện cho cả học sinh và giáo viên. Chính sách giáo dục, đào tạo tiếp tục được điều chỉnh và cập nhật để ứng phó với những thách thức, đồng thời, đáp ứng nhu cầu cũng như cơ hội mới hiện nay.
(2) Chính sách khuyến khích sự đổi mới và phát triển trong các lĩnh vực công nghiệp chất lượng cao.
Chính sách nghiên cứu và phát triển (R&D) của Hàn Quốc đóng vai trò quan trọng trong việc đưa đất nước này từ tình trạng kinh tế lạc hậu đến một trong những nền kinh tế hàng đầu thế giới với nhiều đóng góp từ các lĩnh vực công nghệ cao. Các doanh nghiệp, tổ chức được khuyến khích tham gia vào nghiên cứu và phát triển bảo đảm rằng, nguồn nhân lực được đào tạo với các kỹ năng và kiến thức mới nhất, đặc biệt là trong các lĩnh vực công nghiệp chất lượng cao, như: công nghệ thông tin, khoa học, công nghiệp sáng tạo nhằm tạo môi trường thuận lợi nghiên cứu và phát triển, khuyến khích sự sáng tạo, ứng dụng công nghệ mới vào sản xuất và dịch vụ. Điều này, giúp Hàn Quốc duy trì và củng cố vị thế của mình trong cuộc đua toàn cầu về sự đổi mới và phát triển.
(3) Chính sách lao động và phúc lợi.
Nước này đã áp dụng các biện pháp để cải thiện phúc lợi và điều kiện làm việc nhằm giữ chân lao động có tài năng và tăng cường sức hấp dẫn của mình trong thị trường lao động toàn cầu. Chính phủ hỗ trợ các chương trình đào tạo để người lao động có thể duy trì và phát triển kỹ năng của mình. Hàn Quốc công bố đẩy mạnh hỗ trợ giúp tầng lớp thanh niên – là lực lượng lao động chính thoát khỏi tác động của đại dịch Covid-19 bằng cách cung cấp hỗ trợ nâng cấp từ giáo dục, việc làm đến xây dựng nhà ở và tài sản, tạo môi trường lao động tích cực, tạo sự cân bằng giữa nhu cầu doanh nghiệp và quyền lợi của người lao động3.
(4) Chính sách hỗ trợ gia đình.
Chính sách này, gồm: nghỉ phép sau sinh, hỗ trợ chăm sóc con cái, nghỉ phép linh hoạt… Chính phủ Hàn Quốc đã đẩy mạnh hỗ trợ về hoạt động giáo dục, văn hóa, nâng cấp giáo dục và hỗ trợ chăm sóc trẻ em cho các hộ gia đình có thu nhập thấp để giúp thu hẹp khoảng cách và chuẩn bị cho họ trước sự chuyển đổi nhanh chóng của nền kinh tế thông qua gói giáo dục toàn diện, trong đó trọng tâm chính là đạt được các kỹ năng học tập để giúp bù đắp thời gian mất khả năng học tập do đại dịch Covid-194. Chính sách hỗ trợ gia đình của Hàn Quốc nhấn mạnh vào việc xây dựng một môi trường làm việc linh hoạt và hỗ trợ giúp nhân viên cân bằng giữa công việc và gia đình một cách hiệu quả. Điều này không chỉ tạo ra một môi trường làm việc tích cực mà còn giúp thu hút và giữ chân nhân sự có chất lượng cao.
Một là, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực.
Hiện nay, chất lượng nguồn nhân lực của nước ta đang được đánh giá ở mức thấp trong bậc thang năng lực quốc tế, thiếu lao động có trình độ tay nghề, công nhân kỹ thuật bậc cao. Số lao động có trình độ chuyên môn kỹ thuật đã qua đào tạo có bằng/chứng chỉ) chỉ có 11,39 triệu người, chiếm 20,87% (bao gồm các trình độ sơ cấp nghề, trung cấp, cao đẳng, đại học và sau đại học), chiếm 20,92% tổng lực lượng lao động. Trong 10 năm qua, tỷ lệ lao động qua đào tạo tăng mạnh nhưng vẫn còn 76,9% lực lượng lao động chưa được đào tạo chuyên môn5. Do vậy, cần cải cách chính sách phát triển giáo dục, đào tạo theo hướng tập trung vào việc cung cấp các chương trình đào tạo nghề và học nghề để phát triển kỹ năng chuyên nghiệp phù hợp với nhu cầu thị trường lao động.
Đổi mới chương trình học, phương pháp giảng dạy và học tập theo hướng khuyến khích sự sáng tạo và phát triển toàn diện của học sinh. Có chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư nghiên cứu và phát triển các lĩnh vực công nghiệp tiên tiến để tăng nhu cầu về nguồn nhân lực chất lượng cao đáp ứng kịp thời cho thị trường lao động. Đối với những lao động chất lượng cao trong các ngành kinh tế mũi nhọn, cần cải thiện điều kiện lao động, có các chương trình đào tạo liên tục để người lao động có cơ hội bổ sung kiến thức và phát triển kỹ năng của bản thân.
Tăng cường bố trí nguồn lực đầu tư có trọng tâm, trọng điểm, đồng bộ cơ sở vật chất và trang thiết bị đào tạo nghề cho các cơ sở giáo dục nghề nghiệp. Thu hút, ưu đãi, hỗ trợ về tài chính, đất đai để khuyến khích các doanh nghiệp tham gia vào hoạt động giáo dục nghề nghiệp.
Hai là, về chính sách an sinh xã hội.
Tiếp tục nhận thức rõ hơn về vai trò và vị trí của an sinh xã hội trong chuỗi động lực phát triển đất nước, phát triển kinh tế – xã hội, văn hóa và môi trường, hợp tác quốc tế. An sinh xã hội phải trở thành khâu đột phá chiến lược trong mô hình phát triển bền vững của đất nước. Bên cạnh đó, cũng cần ban hành chính sách nghỉ phép linh hoạt để người lao động có thể vừa chăm lo được cho gia đình, vừa có cơ hội phát triển sự nghiệp.
Việc tập trung vào giáo dục, đào tạo nghề và phát triển kỹ năng cho người lao động cần có sự hợp tác giữa các bên liên quan như doanh nghiệp và các tổ chức giáo dục tham gia vào đào tạo đáp ứng nhanh và hiệu quả nhu cầu thị trường lao động. Đồng thời, làm tốt công tác hướng nghiệp, phân luồng học sinh tốt nghiệp trung học cơ sở, trung học phổ thông gắn với thông tin thị trường lao động; nâng cao hiệu quả của các trung tâm giáo dục nghề nghiệp – giáo dục thường xuyên.
Xây dựng hệ thống dữ liệu cung – cầu lao động và những biến dộng của thị trường lao động để đưa ra các dự báo kịp thời, chính xác, phục vụ các tổ chức, cá nhân và doanh nghiệp. Đồng thời, khuyến khích người lao động tham gia các khóa học nghề, nhất là đối với những nghề đang cần thu hút đáp ứng sự phát triển kinh tế – xã hội trong giai đoạn mới.
Để phát triển nguồn nhân lực thực chất hiệu quả, Việt Nam có thể áp dụng những chiến lược và chính sách phát của Hàn Quốc nhưng cần điều chỉnh phù hợp với bối cảnh và đặc thù của đất nước, tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, đồng thời, góp phần vào sự phát triển bền vững của nền kinh tế đất nước.